(Cadn.com.vn) - Nghề cấp cứu chịu rất nhiều áp lực, không chỉ lo về sức khỏe của người bệnh mà lắm lúc họ phải đối mặt với sự phiền toái, thậm chí nguy hiểm đến từ người nhà của người bệnh đang được cấp cứu. Trong đó, chuyện cấp cứu cho các nạn nhân say rượu bia bị tai nạn giao thông (TNGT) là mệt nhất. Bị chửi bới, nhục mạ thậm tệ đã đành, bác sĩ, y tá của Khoa Cấp cứu trong lúc tìm cách cấp cứu cho những nạn nhân này lại bị hăm dọa, hành hung...!
Từ chửi bới, xúc phạm…
Nhìn cảnh một "ma men" được người đi đường đưa vào nhập viện ngồi lắc lư, lè nhè trên băng ca, tôi cứ hình dung đến hình ảnh anh Chí Phèo ở làng Vũ Đại ngày ấy! Bình thường, anh Chí cũng hiền lành, nhưng cứ rượu vào là... có chuyện để... chửi, rồi tự hành hạ mình... Nhiều anh, hôm sau xuất viện, nhìn lại cái clip do người khác quay cảnh mình "rè" trong bệnh viện cũng bụm miệng xấu hổ. Thấy mình hệt như anh Chí!
Tối hôm kia, kíp trực cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận "đệ tử Lưu Linh" mềm như bún, tay chân và mặt "cày" giữa đường vì ngã xe, máu me bê bết. Người dân kể lại rằng, anh ta chạy xe máy theo kiểu "xéo khoai", coi cái đường như của riêng mình rồi tự tông vào vỉa hè bất tỉnh. Vậy mà trong lúc bác sĩ khám sức khỏe, làm xét nghiệm thì anh khật khưỡng ngồi trên giường chửi um.
Rằng "tao có say gì đâu mà bọn mày đo cồn trong máu, lại đo nhịp tim, huyết áp với cả chụp phim nữa. Đi ra chỗ khác cho thoáng! Còn mấy ông bà nữa, cũng vào đây nằm thì còn lạ gì nữa mà nhìn tôi, nằm hết xuống đi! Ông kia mà không tháo cái bình nước này ra khỏi tay cho tui thì liệu hồn, truyền nước cái khỉ mẹ gì, tui uống cả thùng bia còn chưa ăn gì huống là cái bình nhỏ xíu". Nói chung, cứ thấy cái gì chướng mắt là chửi, kể cả cái giường lắc lư và đôi dép nhảy múa khiến anh ta không xỏ chân vào được!
Hỏi chuyện các bác sĩ thì ai cũng cười, vì đó là chuyện thường ngày ở đây. Nhất là khoảng từ 20 giờ đến 1 giờ hôm sau, cái giờ mà người ta đã "ngấm" những chầu nhậu sau giờ tan tầm và say nhừ vì tăng hai, tăng ba. Bác sĩ Nguyễn Trường Minh - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: "Việc của chúng tôi là phải bằng mọi cách đảm bảo sức khỏe cho nạn nhân, họ có chửi bới, xúc phạm cũng phải bỏ ngoài tai, vì đó là rượu nói. Hôm sau, họ lại xin lỗi và cảm ơn. Nhưng lắm lúc nghĩ lại cũng thấy buồn, phải chi đừng có bia rượu".
 |
Bác sĩ Nguyễn Băng Đình (phải) và nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Oanh nhiều lần bị nạn nhân là người say rượu chửi bới, hành hung. |
... Đến bị đánh phải đi... cấp cứu!
Chửi bới thì lời nói gió bay, có thể cho qua được vì "ai chấp kẻ say" nhưng đến mức thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với những người đang cứu mình thì thật là hết chỗ nói. Theo các y, bác sĩ khoa cấp cứu, làm nghề này là phải sẵn sàng đối mặt với tình huống đó và bắt buộc phải có kỹ năng... phòng thủ.
Bác sĩ Nguyễn Băng Đình - người có thâm niên 21 năm làm nghề nói, ông không nhớ được mình đã bao nhiêu lần bị các nạn nhân TNGT do bia rượu rượt đánh. Những lúc như thế, nhanh thì thoát còn phản ứng không kịp thì dính đòn. Với những người đã say mềm, không biết trời đất gì nữa thì làm bất cứ thủ tục gì để khám, xét nghiệm cũng được, chỉ có điều phải chuẩn bị cho cả việc họ nôn vào người.
Nhưng với những người còn ngồi lắc lư và còn chửi được thì coi chừng, sẵn gì họ phang nấy. Người mà chạy thoát thì họ phá giường, tủ, thuốc men, dụng cụ y tế. "Nhiều trường hợp họ không điều khiển được hành vi của mình nữa đến mức gây nguy hiểm cho bác sĩ và những người xung quanh. Nhiều lúc chúng tôi rất đau lòng khi chứng kiến đồng nghiệp mình bị đấm thâm mắt, đánh rách da đầu phải đi cấp cứu. Nên ca nào nguy hiểm quá, chúng tôi buộc phải cột tay chân họ vào giường để khám, xét nghiệm nhằm điều trị kịp thời", bác sĩ Đình kể.
* “Làm nghề cấp cứu, có lúc bị xúc phạm khiến chúng tôi buồn lắm. Nhưng vì nghề nghiệp, vì người bệnh mình phải bỏ qua. Chúng tôi mong muốn có được sự thấu hiểu của bệnh nhân cũng như người nhà. Những lúc bị hành hung, đập phá tài sản, nếu có sự hiện diện của cơ quan công an nữa thì chúng tôi sẽ vững dạ hơn” – bác sĩ Nguyễn Băng Đình. |
Bác sĩ nam, cấp cứu cho "ma men" nguy hiểm đã đành, đối với các nữ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, áp lực lại tăng lên gấp bội. Với 15 năm làm ở khoa "nóng", nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Oanh nhớ nhất là thời kỳ chị mang bầu 7 tháng, ngồi trước cái mã tấu sáng loáng trên bàn ghi hồ sơ.
"Lúc đó nạn nhân và nhóm bạn say xỉn, sau khi chửi bới đã rút dao, mã tấu ra rượt đánh tất cả mọi người. Cả kíp trực buộc phải chạy để bảo vệ an toàn cho mình, còn tôi bụng mang dạ chửa không chạy được nên ngồi im. Một người trong số họ lao tới đập cái mã tấu xuống bàn, ngay trước mặt tôi hỏi "thích thế nào?". Dù sợ nhưng tôi cố bình tĩnh để giải thích, sau một hồi quát tháo thì anh ta vừa đi vừa té ngã nằm xoài lên giường, tôi cũng hồn vía lên mây. Anh ta mà chém thì tôi cũng chịu", chị Oanh kể lại.
Không chỉ "lãnh đủ" từ các ma men, người nhà và bạn bè của họ cũng thường ở trong trạng thái đầu bốc hỏa khi thấy người thân của mình bị nạn. Trong lúc bác sĩ phải theo trình tự để cứu chữa có hiệu quả thì người nhà lại nôn nóng yêu cầu phải thế này, thế nọ. Có người không hiểu lại cứ nghĩ bệnh nhân bị "ngâm" để vòi vĩnh.
Bác sĩ Nguyễn Băng Đình cho biết, theo thủ tục, nếu nạn nhân có tài sản thì phải kiểm kê, sau đó làm thủ tục xét nghiệm để đưa ra phương án cứu chữa. Nhưng nhiều người bị rơi, bị mất tài sản ngoài đường lại quay qua đổ lỗi cho bác sĩ. Có người nhà khi được liên lạc chạy đến thấy người thân của mình đang nằm trên giường lại chửi đổng hỏi sao không thấy bác sĩ làm gì... Thực ra bệnh viện đã làm thủ tục xét nghiệm và đưa bệnh nhân nằm lên giường để chờ kết quả, nhưng do người ta chưa hiểu đầu đuôi nên cho là bác sĩ tắc trách.
 |
Một người say rượu đang ngồi ngật ngưỡng, lè nhè chửi bác sĩ và các bệnh nhân cùng phòng tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng (ảnh cắt từ clip). |
Quá nhiều áp lực
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Minh, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 200 trường hợp cấp cứu. Trong số đó có tới 40% do TNGT, mà phần lớn trong số này đều bắt nguồn từ bia rượu. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, trong số 3.352 ca buộc phải nhập viện cấp cứu thì TNGT chiếm tới 910 ca, có 258 ca chấn thương sọ não. "Với 1 kíp trực gồm 3 bác sĩ, 8 điều dưỡng, 3 hộ lý, kéo dài trong 18 đến 24 giờ đồng hồ, nếu vào những ngày cao điểm hoặc lễ tết thì áp lực là rất lớn. Có lúc say, các đối tượng gây sự và truy sát nhau tới tận bệnh viện", bác sĩ Minh cho hay.
Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng, đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm nhưng trong những năm qua chưa xảy ra bất cứ một trường hợp nào kiện cáo, khiếu nại vì thiếu trách nhiệm. Thậm chí, nhiều nạn nhân khi vào viện thì chửi bới, hành hung nhưng hôm sau tỉnh táo thì tìm đến cảm ơn và xin lỗi. Tuy vậy, để chuyên nghiệp hơn và đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ, rất cần thiết có thêm lực lượng giữ gìn ANTT tại khu vực cấp cứu. Tốt nhất là sự hiện diện của lực lượng công an, bên cạnh nhân viên các Cty bảo vệ.
Phóng sự: Công Khanh