Nhu cầu dầu mỏ ở Châu Á đang có xu hướng bùng nổ và các mối quan ngại về an ninh cũng tăng lên.

|
Giá dầu tăng dần hầu hết do sự cắt giảm sản lượng sản xuất của Nga và các nước OPEC. Ảnh: Gulf-Insider |
Ngành công nghiệp dầu mỏ đang dần phục hồi, do sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến giá dầu đang tăng mỗi ngày. Tuần trước, giá dầu thô chạm mức 70USD/thùng, cao nhất trong 3 năm qua. Trong hơn 1 tháng qua, giá dầu luôn dao động trên 65 USD/thùng.
Sự cân bằng thị trường dầu mỏ hầu hết do sự cắt giảm sản lượng sản xuất của Nga và các nước trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Việc cắt giảm sản lượng, kéo dài đến cuối năm 2018, giúp giảm lượng cung dư thừa trên thị trường dầu và đẩy giá dầu lên mức trên 60 USD/thùng. Nhiều người hy vọng cắt giảm sẽ kéo dài trong năm 2018. Căng thẳng ở Trung Đông, và sản xuất dầu mỏ ở Mỹ vẫn chưa tác động đến giá dầu thô một cách quyết liệt. Những đổi mới công nghệ có thể ảnh hưởng đến giá cả, nhưng tác động của những cuộc cách mạng như vậy đối với giá dầu trong tương lai có thể rất hạn chế và thế giới có thể chứng kiến một thị trường dầu cân bằng hơn từ đây.
Tăng giá dầu thô cùng với việc gia tăng sản lượng khí đá phiến của Mỹ có thể tác động sâu sắc đến tính địa chính trị của nguồn tài nguyên này, đặc biệt là vào thời điểm Châu Á đang nổi lên như một điểm nóng về nhu cầu dầu. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á có nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh trong vài năm tới. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu về dầu ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng từ 4,7 triệu thùng/ngày lên 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức sống là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu này. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vào năm 2017, và nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng thêm 4,6%, đạt mức 600 triệu tấn vào năm 2018. Theo sau là Ấn Độ với dự kiến tăng 4,3% nhu cầu dầu mỏ vào năm 2018.
Với sự gia tăng nhu cầu và giá cả tăng cao, cuộc tranh giành về nguồn cung cấp dầu có thể ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị trong khu vực. Một trong những tác động đáng chú ý nhất là giá dầu thô tăng trong năm 2008 diễn ra cùng thời điểm với sự gia tăng căng thẳng ở biển Đông. Sự gia tăng căng thẳng có thể phần nào liên quan đến tính địa chính trị của các nguồn tài nguyên, trong đó Trung Quốc muốn thống trị và kiểm soát các tuyến thương mại hàng hải để đảm bảo nguồn cung cấp dầu tại thời điểm giá cả tăng lên và sự thiếu hụt trong sản xuất đe dọa đến sự phát triển kinh tế của nước này.
Mặc dù sự sụt giảm giá dầu vào năm 2015 đã làm giảm bớt tình trạng mất an ninh năng lượng của các nước nhập khẩu nhưng thực tế giá dầu rẻ trước đây đang đe dọa làm trầm trọng thêm các xung đột địa chính trị hiện tại. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là với nhu cầu lớn về dầu mỏ và khí đốt chuyển tới Châu Á, cuộc tranh giành để tiếp cận an toàn với các nguồn tài nguyên giá rẻ dự kiến sẽ dẫn đến xung đột gia tăng giữa các cường quốc khu vực.
Cụ thể hơn, Dự án “Một Vành đai, Một Con đường” (BRI) của Trung Quốc và các biện pháp tăng cường thu mua năng lượng của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị xung quanh các tuyến đường thương mại năng lượng. BRI đang nổi lên là một công cụ địa chính trị quan trọng mà thông qua đó Trung Quốc nhanh chóng mở rộng sự hiện diện và tiếp cận các cảng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương. Hơn nữa, các dự án khởi xướng dưới sự bảo trợ của BRI cũng liên quan đến năng lượng.
Ví dụ, khoảng 60% của khoản đầu tư trị giá 50 tỷ USD trong Dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) dành cho các nhà máy phát điện chạy bằng than. Là một phần của BRI, Trung Quốc cũng đang xây dựng hai đường ống dẫn dầu khí từ bang Rakhine của Myanmar đến tỉnh Vân Nam ở tây nam nước này. Các đường ống sẽ chuyển dầu nhập khẩu từ các quốc gia Arab đến cảng Kyaukphyu của Myanmar ở Vịnh Bengal, do Trung Quốc phát triển như một tài sản chiến lược khác ở khu vực Ấn Độ Dương.
Sự quyết đoán kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông và Ấn Độ Dương khiến nhiều nước lo ngại. Các quốc gia trong khu vực vẫn có thể cần một chiến lược để giải quyết mối quan ngại liên quan đến các tuyến cung cấp năng lượng an toàn và nguồn cung cấp năng lượng hợp lý. Trung Quốc đang “đói” năng lượng, lại được trang bị sức mạnh kinh tế là BRI, cùng với sự gia tăng mạnh nhu cầu năng lượng của các nước Châu Á khác, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của giá dầu trên toàn cầu, đặt ra hồi chuông báo động đối với nền địa chính trị trong tương lai ở Nam và Đông Nam Á.
AN BÌNH