Mạo danh cán bộ công an, kiểm sát viên (KSV), tòa án để hù dọa người dân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy không phải là thủ đoạn mới, nhưng thời gian gần đây vẫn có rất nhiều người “sập bẫy”. Chiều 7-8, Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP Đà Nẵng đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí đề nghị hợp tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, ngăn ngừa đối với loại tội phạm này.
 |
Một “Giấy triệu tập” mạo danh Cơ quan ANĐT CATP Đà Nẵng do các đối tượng lừa đảo gửi cho người dân. |
Một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Đà Nẵng cho hay, cuối tháng 7-2019, một đối tượng tự xưng là Hùng “cán bộ an ninh” gửi giấy triệu tập cho anh Nguyễn Nh. (trú TP Cần Thơ) với nội dung: “Ông Nh. đã phạm tội mở một tài khoản ngân hàng VietcomBank dùng để rửa tiền, trốn thuế xuyên quốc gia cho đường dây buôn bán ma túy, vi phạm khoản 1, điều 3 và điều 194 Bộ luật Hình sự. Liên quan đến vụ việc này, CA và VKSND Tối cao Đà Nẵng đang lập các thủ tục để tiến hành giải bị can đến TP Đà Nẵng thụ lý vụ án”. Ngoài giấy triệu tập, đối tượng còn làm giả một “lệnh bắt bị can để tạm giam” đối với anh Nh. có đóng dấu đỏ do “kiểm soát viên cao cấp” Lê Đức Xuân- VKSND tối cao TP Đà Nẵng ký. Tuy nhiên, do anh Nh. từng biết về thủ đoạn lừa đảo này qua thông tin báo chí nên anh đã trình báo cơ quan CA địa phương và cả CATP Đà Nẵng.
Hoặc mới đây, Cơ quan ANĐT CATP Đà Nẵng nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn G. (trú Q.1, TP Hồ Chí Minh) về việc có người tự xưng là cán bộ ANĐT CATP Đà Nẵng điện thoại yêu cầu ông ra CATP Đà Nẵng để làm việc. Tiếp đó, đối tượng gửi vào tài khoản Zalo của ông G. “Giấy triệu tập” có nội dung: “Yêu cầu ông G. đến Cơ quan ANĐT, CATP Đà Nẵng, số 80- Lê Lợi gặp điều tra viên giải quyết vụ ông đã sử dụng thẻ BHYT đến Bệnh viện Hoàn Mỹ khám và lãnh 260 hộp thuốc giảm đau có thành phần điều chế chất ma túy tổng hợp nên CA nghi ngờ ông có ý đồ điều chế chất ma túy tổng hợp”. Tiếp đó, ông G. còn nhận được điện thoại của “cán bộ ANĐT” yêu cầu phải chuyển ngay vào tài khoản của “công an” 46 triệu đồng để phong tỏa tạm thời. Khi ông G. liên lạc với Phòng ANĐT CATP Đà Nẵng để xác minh mới hay đó là thủ đoạn mạo danh cơ quan CA của các đối tượng lừa đảo.
Lãnh đạo Phòng ANĐT CATP Đà Nẵng khẳng định rằng, tất cả các văn bản giấy triệu tập, lệnh bắt tạm giam mà đối tượng lừa đảo gửi đến người dân hoàn toàn là giả mạo, và dấu đóng trên văn bản là dấu scan. Nếu cơ quan CA có gửi một giấy triệu tập, hoặc lệnh gì thì trong quá trình điều tra, cán bộ an ninh tuyệt đối không được trao đổi qua mạng xã hội như zalo hay facebook.
Theo Đội Cảnh sát phòng chống sử dụng công nghệ cao (Phòng Cảnh sát kinh tế), thời gian gần đây, đơn vị liên tục nhận được nhiều tin báo, tố giác tội phạm về việc bị các đối tượng lừa đảo giả danh là cán bộ CA, VKS, Tòa án sử dụng các số điện thoại như +840236.3822300, +840236.3889222, +842438256892, +02439396l50, +0235.38l2644, 40236.113, +1900548899, +0236382120... gọi điện thoại thông báo có liên quan đến các vụ án hình sự rồi yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động để xác minh. Sau đó, những người này yêu cầu “nghi can” tạm thời chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của “cơ quan điều tra” để kiểm tra. Vì mất cảnh giác, một số người sau khi chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp đã bị chiếm đoạt.
Ngoài hình thức gọi điện, một số đối tượng khác còn giả danh nhân viên bưu điện điện thoại đến người dân tự xưng là “nhân viên bưu điện” đòi nợ cước điện thoại, phí bưu phẩm, quà tặng, hoặc bưu phẩm chứa hàng cấm... Khi người dân thắc mắc thì nhân viên này “kết nối” với người tự xưng là cán bộ CATP Đà Nẵng để trao đổi về “vụ án”. Tiếp đó, đối tượng sử dụng số điện thoại giả mạo ngành CA như: +8402363822300, +8402363889222... để gọi điện cho người dân yêu cầu nộp một số tiền vào tài khoản của “công an”. Đây là những hành vi lừa đảo đang khá phổ biến nên người dân hết sức cảnh giác.
CATP Đà Nẵng khẳng định không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại mà khi có yêu cầu làm việc sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập. Thêm nữa, cơ quan CA cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội. Cơ quan CA cũng lưu ý, tất cả số điện thoại giả mạo theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số vì chúng được thực hiện qua mạng Internet. Do đó, khi gặp những trường hợp như trên, người dân không nên chuyển tiền mà nhanh chóng thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh...
CÔNG HẠNH