Kiến trúc nhà vườn Huế với vẻ cổ kính, có lịch sử lâu đời hàng trăm năm. Nhiều nhà vườn nguyên là phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa, hoàng thân, quốc thích được xây dựng qua nhiều thời kỳ. Bên trong nhà vườn có ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, có vườn cây ăn trái trĩu quả, không gian yên tĩnh đã tạo nên đặc trưng văn hóa Huế. Thế nhưng, do nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn, nên đến nay, nhiều nhà vườn Huế dần bị "xóa sổ"; số còn lại đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
 |
Dù đủ điều kiện được hỗ trợ nhưng nhà vườn Phủ Phú Quốc Công Từ đã từ chối tham gia đề án. |
Để bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn, tỉnh TT-Huế đã xây dựng Đề án chính sách hỗ trợ tài chính về bảo tồn nhà vườn Huế giai đoạn 2015 - 2020. Người dân sở hữu nhà vườn khi tham gia đề án này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: được hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo nhà chính với mức cao nhất là 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1, không quá 500 triệu đồng nhà vườn loại 2 và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn loại 3... Trước năm 2003, ngành văn hóa TP Huế đã khảo sát hệ thống nhà vườn đặc trưng trên địa bàn và kết quả có hơn 150 nhà "đạt chuẩn". Đến năm 2012, khi khảo sát lại chỉ còn chưa đầy 100 nhà và đến nay chỉ chưa đầy 50 nhà đảm bảo các tiêu chí của một nhà vườn Huế. Sau khi khảo sát các nhà vườn đạt tiêu chí nhà vườn Huế đặc trưng, UBND TP Huế đã mời đại diện các nhà vườn có đơn tham gia Đề án chính sách hỗ trợ Bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế. Tuy nhiên, chỉ có 14 hộ đăng ký tham gia và được phê duyệt theo quyết định nói trên; còn lại có 34 gia đình từ chối tham gia. Tuy nhiên, dù nằm trong danh sách đã phê duyệt của đề án nhưng đến khi thực hiện thì có thêm 3 hộ gia đình tiếp tục từ chối. Được biết, đối với các nhà vườn đang triển khai tu bổ, người dân phần lớn đều bỏ thêm kinh phí để làm đẹp hơn ngôi nhà và phục vụ mục đích du lịch.
Bà Dương Thị Hoa (78 tuổi), con cháu trông coi Phủ Phú Quốc Công Từ (số 181-Phan Đình Phùng, TP Huế) cho biết, gia đình đã từ chối tham gia đề án bảo vệ nhà vườn Huế mặc dù phía cơ quan chuyên môn cho rằng ngôi nhà vườn này nằm trong tiêu chí xếp loại 1 của nhà vườn Huế. "Số tiền nhiều nhất mà nhà nước hỗ trợ trùng tu nhà vườn là 700 triệu đồng. Nhưng số tiền đó khi tu bổ một nhà vườn "chuẩn" thì chưa chắc đã đủ, sợ nhất là hạ giải rồi, làm dở dang mà hết tiền thì lấy mô ra mà làm tiếp. Khi đó phía dự án họ không tiếp tục vì hết kinh phí, thì người dân như chúng tôi làm răng mà xoay xở..."- bà Hoa lo ngại. Một lý do khác mà bà Hoa e ngại khi tham gia đề án sẽ kéo theo các ràng buộc khác; trong khi Phủ đang thờ rất nhiều người và họ muốn tự do để cúng đơm, thờ phụng tổ tiên của mình.
Tương tự, bà Hồ Thị Kim Chi, cháu gái của bà Hồ Thị Gái (đã mất)- chủ nhân ngôi nhà vườn số 7 Lịch Đợi ở P. Đúc, TP Huế rộng gần 2.800 m2, trong đó ngôi nhà chính được xây dựng hơn 100 năm. Theo bà Chi, mỗi khi nhà vườn này hư hỏng, xuống cấp thì con cháu trong dòng họ đóng góp để sửa chữa. Theo bà Chi, dù UBND TP Huế đã từng gửi đơn mời tham gia đề án bảo tồn nhà vườn, nhưng con cháu trong nhà bà đã từ chối tham gia. Bà Chi nói rằng: sau khi mệ Gái mất, con cháu trong gia đình cũng khá đông nhưng chỉ có mình tôi là ở trong nhà và trông giữ nhà. Bà con họ hàng sợ sau này tham gia đề án, gia đình sẽ "phụ thuộc" vào các yêu cầu mà phía chính quyền đưa ra. Bản thân tôi cũng lớn tuổi rồi, cũng không tính đến việc sẽ làm du lịch sau khi tu bổ nhà vườn, chỉ muốn yên tĩnh và thờ tổ tiên trong nhà.
Bà Phạm Quỳnh Dao, Trưởng Phòng VHTT TP Huế, Phó Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế, cho rằng lý do chung mà nhiều gia đình từ chối tham gia đề án là do vướng mắc về vấn đề sở hữu, thừa kế; một số người đang sống ở nhà vườn không có quyền quyết định; một số nhà trong hội đồng gia tộc không thống nhất tham gia. Tâm lý của một số chủ nhà vườn hoặc người hiện đang quản lý, bảo vệ, hương khói không muốn bị làm phiền, không thích hợp tác để được nhà nước hỗ trợ cũng như khai thác... Về vấn đề lo lắng kinh phí trùng tu của người dân, bà Dao cũng giải thích rằng: Ngoài việc hỗ trợ từ 400 triệu đến 700 triệu đồng/nhà (tùy theo xếp loại nhà vườn), thì đề án cũng có nhiều hỗ trợ thiết thực khác như: hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trùng tu nhà với mức tối đa không quá 500 triệu đồng/nhà với thời hạn không quá 5 năm; hỗ trợ tôn tạo khuôn viên vườn; hỗ trợ dịch vụ kinh doanh tại vườn; hỗ trợ về thuế... Song song với bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến phát triển du lịch nhà vườn. Hiện nay, có 8 nhà vườn trên địa bàn thành phố đang triển khai thành công dịch vụ du lịch tại nhà. Trong số các nhà vườn tham gia đề án bảo tồn cũng có 5 nhà vườn đang làm du lịch.
H.LAN