Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh Đà Nẵng vừa thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị thuộc Sở Văn hóa Thể thao TP. Dịp này, ông Ngô Văn Bảy - tân Giám đốc Trung tâm đã có những chia sẻ cởi mở về hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới. Ông nói, làm văn hóa ở một TP phát triển kinh tế nhanh như Đà Nẵng rất khó nhưng không phải đã hết cách.
 |
Ông Ngô Văn Bảy. |
P.V: Nếu Đà Nẵng phát triển kinh tế nhanh thì hoạt động văn hóa càng thuận lợi hơn, vì sao ông lại nói khó?
Ông Ngô Văn Bảy: Chúng ta quan niệm văn hóa là nền tảng xã hội, là động lực phát triển kinh tế. Muốn có văn hóa phải đảm bảo 3 yếu tố là thiết chế, con người và kinh phí. Tức là phải có đầu tư tương xứng, không thể để kinh tế phát triển nhanh, nói văn hóa là nền tảng mà phải chạy theo sau. Không chỉ Đà Nẵng mà cả nước hiện nay đầu tư cho văn hóa yếu thế hơn kinh tế. Ở Đà Nẵng, có thể hệ số đầu tư cho văn hóa nhỉnh hơn các địa phương khác, song nếu so với đầu tư phát triển kinh tế thì chưa thấm tháp gì. Về thiết chế (cơ sở vật chất), Đà Nẵng đầu tư nhưng chưa chín, chưa tới, chưa có trọng điểm. Có nhà văn hóa cơ sở nhưng không có thiết bị thì cũng không thể hoạt động. Chưa kể một số nhà văn hóa xây vừa xong đã xuống cấp, xây ở địa thế không thuận lợi, xây hội trường diễn văn nghệ mà không có cách âm, tổ chức một lần là… sợ. Hoặc tôi đơn cử như Trung tâm văn hóa TP là thiết chế nòng cốt, bất cứ tỉnh thành nào cũng đặt ở trung tâm đô thị, là mặt tiền văn hóa của địa phương. Chưa biết bên trong con người anh thế nào nhưng ít nhất nhìn bề ngoài anh ăn mặc cũng phải đàng hoàng, đẹp về hình thức trước đã. Đằng này thì Đà Nẵng còn chưa có Trung tâm văn hóa, phải ở tạm nay chỗ này, mai chỗ khác cả chục năm nay. Về cán bộ văn hóa, hầu hết ở cơ sở là tay ngang, vừa yếu lại không có chuyên môn, rất khó tổ chức hoạt động văn hóa có chất lượng. Về kinh phí, do đầu tư thấp nên không tổ chức được các hoạt động văn hóa bài bản, có chiều sâu, có sức lan tỏa. Chưa kể, quan niệm đầu tư cho văn hóa hiện cũng khá mâu thuẫn. Nếu đầu tư cho một môn thể thao thì sẽ đo ngay được hiệu quả là thành tích thi đấu. Nhưng đầu tư cho văn hóa, giá trị thu được không phải sản phẩm hiện hữu, nó đòi hỏi quá trình thay đổi nhận thức, hình thành nếp sống, thấm vào nhân cách, ứng xử của con người trong một quá trình. Do chưa thấy ngay hiệu quả, chưa biết đầu tư thế nào là đủ, nên đầu tư cho văn hóa có phần dè dặt, tiếc tiền. Tôi nói làm văn hóa khó là như vậy.
P.V: Nhưng vẫn phải có cách làm, không lẽ bất lực thưa ông?
Ông Ngô Văn Bảy: Khó mấy cũng có cách làm, vấn đề là sự lựa chọn. Nếu làm thụ động thì kinh phí thế nào làm thế ấy, vẫn đủ hoạt động như yêu cầu. Song, chúng tôi không chọn cách đó. Hướng đi của chúng tôi là nhắm vào việc phát triển các CLB nghệ thuật quần chúng, coi đó là “xương sống” để khơi dậy phong trào thực hành văn hóa một cách sôi động ở TP. Chúng tôi đã thu hút, tổ chức hơn 20 CLB, trong đó có những CLB với số lượng thành viên lên trên 300 người, như CLB khiêu vũ thể thao. Chúng tôi mượn không gian ngoài trời như công viên Biển Đông để tổ chức cho họ sinh hoạt hàng ngày, hàng tuần. Họ tham gia CLB hoàn toàn tình nguyện, vì đam mê, tự lo kinh phí. Ngoài ra còn các CLB dân ca, kịch, bài chòi, múa… Chính những CLB này sẽ là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền của TP. Chẳng hạn khi TP yêu cầu tuyên truyền về chủ trương “4 an”, chúng tôi phải xây dựng những tiểu phẩm, những vở kịch, những tiết mục văn nghệ ca hát, nhảy múa… Nếu bỏ kinh phí ra tổ chức các hoạt động này sẽ rất đắt đỏ, nhưng nếu dựa vào các CLB thì chính họ là người viết kịch bản, tự làm diễn viên, tự tập luyện, tự lo trang phục. Khi chúng tôi chuyển thể các chủ trương tuyên truyền thành nghệ thuật mềm mại thì xuống biểu diễn ở cơ sở người dân tham gia rất đông, hiệu quả lan tỏa rất lớn. Tôi cho rằng không cách tuyên truyền nào tốt hơn thông qua nghệ thuật quần chúng. Khi người dân có tình cảm, có rung động thì hành vi ứng xử văn hóa cũng sẽ chuyển biến thành nếp sống.
 |
Hoạt động khiêu vũ ngoài trời do Trung tâm VH-ĐA Đà Nẵng tổ chức. |
P.V: Như vậy phải thu hút, tổ chức càng nhiều CLB càng tốt?
Ông Ngô Văn Bảy: Nói thì như vậy nhưng làm sao để thu hút quần chúng vào các CLB này khi họ có nhiều lựa chọn “cám dỗ” khác của đời sống vật chất không hề đơn giản. Câu chuyện còn lại là làm sao để xây dựng được phương thức hoạt động của các CLB thiết thực, cuốn hút. Bí quyết đơn giản chỉ là “gãi đúng chỗ ngứa”. Tôi đơn cử như cuộc thi Cụ ông cụ bà đẹp lão thu hút hàng ngàn người khắp TP tham gia. Với các cụ, được lên sân khấu biểu diễn đã là điều tuyệt vời. Và khi đi, các cụ kéo theo con cháu cả gia đình, tạo nên không khí rất sôi động. Tương tự, Liên hoan các CLB toàn TP thu hút hàng trăm CLB, hàng ngàn người tham dự, chưa địa phương nào cả nước làm được. Đơn giản, chúng tôi tạo sân chơi cho các CLB thể hiện mình. Với họ, được biểu diễn trong một ban nhạc, nhóm múa hay ca hát là thỏa mãn đam mê lớn. Khi họ đến với sân chơi văn hóa này cũng có nghĩa là họ đang bảo tồn giá trị văn hóa, không có thời gian để đắm chìm trong các trò chơi vô bổ… Tóm lại, phải kích thích niềm đam mê, khơi dậy tinh thần thực hành văn hóa bằng hình thức thiết thực, phù hợp trong các tầng lớp nhân dân. Ví dụ thanh niên thì chúng tôi có cuộc thi Tài năng nghệ thuật, trung niên có cuộc thi Tình khúc Bolero, Tiếng hát mãi xanh, phụ nữ có CLB khiêu vũ, trẻ em thì CLB dân ca…
P.V: Ông nói rằng kinh phí TP “rót” cho rất hạn hẹp, vậy Trung tâm đã làm gì để có thể tổ chức được các hoạt động thực hành văn hóa thu hút đông đảo quần chúng, tạo sự lan tỏa lớn như vậy?
Ông Ngô Văn Bảy: Chúng tôi đưa ra các mô hình, giải pháp thiết thực để xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Tôi đơn cử diễn một tiểu phẩm về chủ đề văn minh đô thị thì các chi phí từ dàn dựng, tập luyện, thuê âm thanh, ánh sáng, dựng sân khấu… mất vài chục triệu đồng, kinh phí TP chỉ chi vài triệu, vậy phải làm thế nào? Hình thức vẫn là mỗi người góp một tay, người cho mượn âm thanh, người cho mượn đạo cụ, người góp sức làm diễn viên, người tài trợ nước non, tập luyện… Chung quy lại nếu năng động, bài bản, tổ chức thực sự hấp dẫn thì không lo kinh phí. Tôi kể ra đây một hoạt động văn hóa mà xã hội hóa rất tốt, gần như 100%, đó là diễn bài chòi phía đông cầu Rồng hằng đêm. CLB bài chòi Sông Yên đứng ra tổ chức phục vụ người dân, khách du lịch, tiền thu được từ du khách sẽ bù vào kinh phí tổ chức. TP vừa có một địa điểm văn hóa cho du khách, vừa bảo tồn được giá trị di sản thế giới. Tương tự là Vũ hội đường phố tổ chức vào cuối tuần mỗi tháng trong suốt 3 năm nay, đã trở thành đặc sản văn hóa của TP. Mỗi chương trình tổ chức có hàng ngàn người dân, du khách tham gia, các CLB được biểu diễn trong đó hoàn toàn vì đam mê, được thể hiện mình, chúng tôi chỉ đứng ra tổ chức mà không phải trả chi phí gì.
P.V: Suy cho cùng, hành vi ứng xử thiếu văn minh, thái độ vô cảm, giá trị đạo đức bị đảo lộn ngoài các yếu tố kinh tế thị trường, giáo dục… thì có phần lỗi của những người làm văn hóa. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Ngô Văn Bảy: Nếu có phương thức tốt sẽ tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa mà không phải tốn quá nhiều kinh phí. Chính các hoạt động này sẽ thu hút đông đảo quần chúng tham gia, sự lan tỏa về văn hóa rất lớn, từ đó sẽ hình thành nếp sống văn hóa với gia đình, xã hội. Thực hành văn hóa là một quá trình liên tục, bền bỉ, đòi hỏi TP phải đầu tư xứng tầm, cán bộ văn hóa phải có năng lực, tâm huyết. Nếu kiên trì, tôi tin rằng nếp sống văn hóa sẽ hình thành, giá trị đạo đức được duy trì, các hành vi vô cảm, ứng xử thiếu văn hóa, chạy theo vật chất… sẽ bị loại bỏ dần. Làm văn hóa rất khó, cần sự chung sức của cả xã hội.
P.V: Cảm ơn ông đã chia sẻ.
HẢI HẬU (thực hiện)