Ngày 2-1, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 01 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn một số Bộ, ngành chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 13 giờ ngày 2-1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,2 độ Vĩ Bắc; 120,8 độ Kinh Đông, cách miền Trung đảo Palawan (Philippines) khoảng 240 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 -7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo, đến 1 giờ ngày 3-1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 117,4 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 380 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60 km/giờ), giật cấp 9. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 110 km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 12 đến 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
BIÊN THÙY