Bạn đọc hỏi: ông Ngô Văn Đức, trú H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng), hỏi: Ba mẹ tôi (ba tôi mất trước Giải phóng, mẹ tôi mất năm 1985) có 6 người con, 4 trai và 2 gái. Tôi là người duy nhất sống với ba mẹ tôi từ trước Giải phóng (các anh chị của tôi đều lập nghiệp ở xa). Tôi là người quản lý, sử dụng đất mà ba mẹ tôi để lại. Tôi đã làm nhà mới (đây cũng là nơi tôi thờ cúng ông bà, cha mẹ), đăng ký đất đai và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm vào năm 1992. Cách đây 2 năm, anh trai của tôi (sống ở Đà Lạt) vì nghe lời một luật sư (LS) hứa là chắc chắn thắng khi kiện tôi để yêu cầu chia thừa kế nên đã lôi kéo các anh chị em khác buộc tôi phải chia thừa kế đối với diện tích đất mà tôi đang sở hữu. Sau khi tôi cung cấp đầy đủ giấy tờ tôi đang có và nhận được sự hướng dẫn của địa phương thì anh chị em của tôi đã dừng việc kiện tụng. Tuy nhiên, chính lời hứa vô căn cứ này của LS mà hiện nay anh em chúng tôi không còn nhìn mặt nhau. Vì vậy, tôi mong muốn Chuyên mục giải đáp trong trường hợp này LS đó phải chịu trách nhiệm gì theo quy định của pháp luật.
* Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Trong xã hội, nghề nào cũng cần chữ tâm và nghề nào cũng cần những con người có đạo đức. LS là một trong những nghề được cho là có tác động lớn đến xã hội như giáo viên, bác sĩ, công chứng viên... Do vậy, quy định về chuẩn mực đạo đức đối với LS cũng được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp LS vi phạm đạo đức nghề nghiệp và bị xử lý nhưng cũng còn không ít LS vi phạm mà chưa bị phát hiện, xử lý. Trong trường hợp mà ông Đức trình bày thì, chúng ta có thể thấy rằng, bên cạnh anh của ông Đức (người trực tiếp nhờ, thuê LS) phải gánh chịu hậu quả từ lời hứa, cam kết của LS, còn có toàn bộ anh chị em của ông Đức, nếu không muốn nói đến thế hệ tiếp theo, phải gánh chịu hậu quả này. Đây là vấn đề mà không phải LS nào cũng có thể nhận ra. Chính vì vậy, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam có quy định về những điều LS không được làm như: cố ý làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình; đưa ra những lời hứa hẹn tốt đẹp để lừa dối khách hàng; cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết. Về biện pháp chế tài, theo quy định tại Điều 40 Điều lệ Đoàn LS Việt Nam: LS có hành vi vi phạm quy định của Luật LS, Điều lệ Liên đoàn LS Việt Nam, Nội quy Đoàn LS, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây: khiển trách; cảnh cáo; tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn LS từ 6 tháng đến 24 tháng; xóa tên khỏi danh sách LS của Đoàn LS. Ngoài ra, nếu khách hàng của LS bị thiệt hại vì hành vi vi phạm của LS, họ có thể yêu cầu LS bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425