Chính quyền Iraq đã tuyên bố chiến thắng trước nhóm khủng bố IS. Với sự hỗ trợ của liên quân Mỹ, quân đội Iraq chiếm lại các vùng rơi vào tay IS kể từ năm 2014 tới nay, với diện tích có lúc lên tới khoảng 1/3 lãnh thổ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chính quyền Baghdad sẽ phải đối diện với nhiều thách thức giai đoạn hậu chiến.

|
Đống đổ nát ở Mosul. Ảnh: AP |
Cần 100 tỷ USD
Chính phủ Iraq ước tính cần 100 tỷ USD để xây dựng lại các thành phố và thị trấn bị tàn phá bởi trong 3 năm chiến tranh chống IS. Tuy nhiên, các lãnh đạo địa phương Mosul, thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất, cho rằng, số tiền đó chỉ đủ để khôi phục lại thành phố này.
Sẽ mất nhiều năm để thu gom đống đổ nát tại Mosul. Hơn 3.000 tấn gạch đá, các mảnh vỡ, sắt thép của hàng nghìn ngôi nhà nằm ngổn ngang sau các vụ không kích. Trong cả khu vực này, hầu như không một tòa nhà nào không bị tổn thương. Gần như mọi khu phố ở nửa phía tây của Mosul đều biến thành các đống đất đá. 5 cây cầu bắt qua sông Tigris cũng bị đánh sập.
Đây chỉ là một góc của sự tàn phá trong 3 năm chiến tranh ở miền bắc và miền tây Iraq. Lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu và lực lượng Iraq đánh bại IS, nhưng chi phí cho chiến thắng này hầu như không thể tính được. Trong khi chờ đợi tái thiết, nhiều người trong số những người chạy trốn khỏi IS vẫn chưa thể trở về. Tại Mosul, thành phố của khoảng 2 triệu người, LHQ ước tính, có 40.000 ngôi nhà cần được xây dựng lại, và khoảng 600.000 cư dân không thể trở lại thành phố.
Mosul, bị IS chiếm giữ vào năm 2014, được tuyên bố giải phóng vào tháng 7 sau cuộc chiến kéo dài nhiều tháng gây ra sự tàn phá lớn nhất đối với khu vực phía tây. Các khu vực bị tàn phá tồi tệ nhất phần lớn là người Sunni, trong khi chính quyền Baghdad do người Shiite chiếm ưu thế. Điều đáng lo nhất là nếu người Sunni cảm thấy họ đã bị bỏ rơi, sự oán giận sẽ nuôi sống thế hệ phiến quân kế tiếp.
Abdullah al-Habu, Người đứng đầu Mosul và là cố vấn về tái thiết cho tỉnh Nineveh, cho rằng, nếu thành phố không được xây dựng lại, "điều này sẽ dẫn đến sự tái sinh của chủ nghĩa khủng bố".
Tự lực cánh sinh
Mỹ đã nói với Iraq rằng, họ không thể tài trợ toàn bộ cho một cuộc cải tổ lớn. Iraq hy vọng Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác sẽ hỗ trợ việc tái thiết. Các dự án do LHQ tài trợ đang sửa chữa cơ sở hạ tầng gần 20 thị xã và thành phố, nhưng khoản ngân sách này chỉ là một phần nhỏ của số tiền cần thiết. Do đó, phần lớn việc xây dựng lại là do cá nhân người Iraq sử dụng các khoản tiết kiệm cá nhân.
Ông Halayl Sharqii, 75 tuổi, và vợ ông, Hanna, mượn tiền từ các gia đình người thân ở xa và nhận được sự trợ giúp của tổ chức viện trợ Qatari để xây lại ngôi nhà hai phòng đã bị phá hủy. Xung quanh đó, các căn nhà khác cũng trong tình trạng tương tự, một số vẫn còn thiếu các bức tường. Tiền tiết kiệm của họ đã cạn kiệt trong quá trình chạy trốn bạo lực. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", ông Halayl nói.
Nguồn tài trợ chính để xây dựng lại là cơ quan phát triển LHQ (UNDP). Tuy nhiên, nguồn tài trợ thấp hơn nhiều so với những gì Iraq cho là cần thiết. Cho đến nay, họ chỉ nhận được khoảng 392 triệu USD. Mỹ và Đức là hai nhà tài trợ hàng đầu, lần lượt đóng góp 115 triệu USD và 64 triệu USD.
Baghdad dự kiến, Mỹ sẽ tài trợ tiền tái thiết sau khi đánh bại IS. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố Mỹ không có nhiệm vụ tái thiết Iraq. Sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ năm 2003, Mỹ đã bơm 60 tỷ USD trong 9 năm để tái thiết Iraq. Nhưng số tiền này đã không thể ngăn chặn sự hỗn loạn chính trị và sự trỗi dậy của các phiến quân ở Iraq.
AN BÌNH