Đó là tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi kỷ niệm 40 năm ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ban hành văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, được tổ chức ngày 2-1 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.
 |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi kỷ niệm 40 năm ngày ban hành văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan” tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định quyết tâm thống nhất Đài Loan và kêu gọi ủng hộ giải pháp “một đất nước, hai chế độ”. “Đó là một sự chấm dứt lịch sử u buồn hơn 70 năm qua của sự phát triển quan hệ qua eo biển Đài Loan, và cần thiết cho sự hồi sinh vĩ đại của quốc gia Trung Quốc trong thời đại mới”, AFP dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ.
Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi nhân dân Trung Quốc trên khắp Eo biển Đài Loan cũng như tại quê nhà và nước ngoài hợp tác với nhau vì lợi ích vĩ đại hơn của đất nước Trung Quốc và phù hợp với xu thế của lịch sử. Ông mong muốn nhìn thấy nỗ lực cùng thúc đẩy sự phát triển hòa bình của quan hệ qua eo biển và thúc đẩy quá trình hướng tới sự tái thống nhất hòa bình của Trung Quốc.
Không từ bỏ sử dụng vũ lực với Đài Loan
Trong một tuyên bố gây chú ý đặc biệt, ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc sử dụng sức mạnh quân sự như một lựa chọn nhằm đảm bảo sự tái thống nhất Đài Loan, đồng thời cho rằng, hòn đảo này cuối cùng sẽ tái thống nhất với Đại lục.
Theo ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh “vẫn bảo lưu lựa chọn áp dụng mọi biện pháp cần thiết” chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào việc tái thống nhất hòa bình và những hoạt động ly khai đòi độc lập cho Đài Loan. Theo nhà lãnh đạo này, “sự độc lập của Đài Loan” đi ngược lại với xu hướng của lịch sử và sẽ dẫn đến ngõ cụt. Sự tái thống nhất của Trung Quốc không gây hại tới lợi ích hợp pháp của bất cứ quốc gia nào, trong đó có những lợi ích kinh tế của họ tại Đài Loan. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc. Người dân Trung Quốc nên giúp đỡ lẫn nhau” cũng như hai bên nên tăng cường dòng chảy tự do thương mại, khả năng kết nối về cơ sở hạ tầng, trao đổi năng lượng - tài nguyên và những tiêu chuẩn công nghiệp chung.
Trước khi ông Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố này, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã cảnh báo, Đài Loan sẽ lâm vào “đường cùng” nếu hòn đảo tự trị này kháng cự các nỗ lực tái thống nhất của Trung Quốc đại lục bằng vũ lực, và khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục “tuần tra bao vây” trên biển và trên không xung quanh Đài Loan.
Đài Loan phản đối
Đáp lại, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố, hòn đảo này sẽ không chấp nhận dàn xếp chính trị “một đất nước, hai chế độ” với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh mọi cuộc đàm phán xuyên eo biển Đài Loan đều phải được thực hiện ở cấp chính quyền.
Bà Thái Anh Văn kêu gọi Bắc Kinh hiểu rõ suy nghĩ và nhu cầu của người dân Đài Loan. Trong bài phát biểu nhân dịp Năm mới trước đó, bà Thái Anh Văn cũng kêu gọi Trung Quốc cần áp dụng các phương thức hòa bình để giải quyết các bất đồng với Đài Loan cũng như tôn trọng các giá trị dân chủ của hòn đảo tự trị này. Theo bà Thái Anh Văn, việc Trung Quốc Đại lục can thiệp vào sự phát triển chính trị và xã hội của Đài Loan là “thách thức lớn nhất của Đài Loan ở thời điểm hiện tại”.
Giới phân tích cũng cho rằng, mặc dù bài phát biểu của ông Tập có lập trường mạnh mẽ chống lại phe ly khai Đài Loan và thúc đẩy thống nhất đất nước, nó chủ yếu nhắm vào những người ở Đại lục và Mỹ - quốc gia đồng minh không chính thức mạnh nhất của Đài Loan và là nhà cung cấp vũ khí chính cho hòn đảo này. Trong năm 2018, Mỹ đã điều nhiều tàu qua eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc tức giận. Mới đây, Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố kế hoạch mua 66 tiêm kích chiến đấu F-16V từ Mỹ để củng cố năng lực phòng không, động thái mà Bắc Kinh khó có thể ngồi yên.
KHẢ ANH