Từ Mỹ cho đến Châu Âu và Châu Á, người dân ở nhiều nơi trên thế giới đang dần dần rời khỏi nhà và đi ra ngoài sau khi các hạn chế do lệnh phong tỏa chống Covid-18 bắt đầu được nới lỏng và nhiệt độ tăng lên khi vào hè.
Châu Âu vào ngày 3-5 đã sẵn sàng cho việc nới lỏng các hạn chế phong tỏa một cách thận trọng hơn sau khi có các dấu hiệu cho thấy, đại dịch đang chậm lại, trong bối cảnh người Tây Ban Nha đổ ra đường để chạy bộ, đạp xe và vui chơi lần đầu tiên sau 48 ngày bị “giam giữ” ở trong nhà.
 |
Mỹ vẫn đang đối mặt các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực. Ảnh: AFP |
Mỹ đang thử nghiệm ít nhất 14 loại vaccine chống virus SARS-CoV-2 Theo các quan chức y tế Mỹ, hiện có ít nhất 14 loại vaccine chống virus SARS-CoV-2 đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy tiến trình đưa vaccine vào sử dụng vào đầu tháng 1-2021. Các quan chức cho biết, 14 loại vaccine được lựa chọn từ 93 loại vaccine do 80 Cty dược phẩm điều chế và nghiên cứu như một phần của dự án hợp tác giữa các Cty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm thúc đẩy rút ngắn thời gian sản xuất vaccine trong thời gian tối đa 8 tháng. Trong 2 tuần tới, 14 loại vaccine này sẽ được thử nghiệm thêm và họ hy vọng khoảng 6-8 loại trong số đó sẽ được đưa vào vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng là có 3 hoặc 4 loại vaccine sẽ được đưa vào thử nghiệm cuối cùng trước khi được đưa vào sử dụng vào đầu năm tới. |
“48 ngày ở trong nhà là quá đủ”
Hơn 242.000 người đã thiệt mạng và 3,4 triệu người mắc Covid-19 trên toàn thế giới cho đến nay, điều này đã khiến hơn một nửa thế giới bị khóa chặt ở trong nhà và đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến tới suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Với các dấu hiệu cho thấy sự lây lan của đại bệnh đã được kiểm soát, các nước ở Châu Âu và Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế để cố gắng đưa cuộc sống, vốn đã bị tê liệt bởi nhiều tuần đóng cửa, trở lại và giảm bớt áp lực từ dân số phải ở nhà. Sau 2 tháng bị khóa chặt ở Italia - với số ca tử vong do virus cao thứ hai trên thế giới – hôm nay (4-5), mọi người sẽ được phép đi dạo trong công viên và thăm người thân. Các nhà hàng có thể mở bán mang về và các cửa hàng bán buôn có thể tiếp tục kinh doanh.
Ở Hungary, một số cửa hàng và viện bảo tàng, không gian ngoài trời của nhà hàng và khách sạn, bãi biển và nhà tắm công cộng có thể mở cửa trở lại từ ngày 4-5 - nhưng những hạn chế sẽ vẫn còn áp đặt ở thủ đô Budapest, nơi đã ghi nhận khoảng 70% ca nhiễm của nước này. Đức cũng sẽ tiếp tục nới lỏng vào đầu tuần, với các trường học ở một số khu vực dự kiến sẽ mở cửa trở lại, trong khi Slovenia và Ba Lan sẽ cho phép một số doanh nghiệp và không gian công cộng hoạt động trở lại. Pháp cho biết sẽ dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa vào ngày 11-5. Nhưng trong bối cảnh các chuyên gia y tế cảnh báo căn bệnh này có thể tấn công mạnh mẽ một lần nữa, Paris vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang và xét nghiệm nhiều hơn để cố gắng theo dõi các ca nhiễm. “Chúng tôi phải duy trì khoảng cách xã hội, mức độ vệ sinh tối đa và đeo khẩu trang. Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể. Từ thứ hai (4-5), mọi việc tùy thuộc vào các bạn”, Ủy viên quốc gia Italia Domenico Arcuri nhấn mạnh.
Bất chấp những lo ngại kéo dài, vẫn có niềm vui và cái thở phào nhẹ nhõm ở Tây Ban Nha, nơi mọi người đã được phép tập thể dục và đi lại tự do sau khi chính phủ nới lỏng 7 tuần bị khóa chặt ở một quốc gia có số người chết cao nhất Châu Âu với hơn 25.000 người. “48 ngày ở trong nhà là quá đủ, tôi rất muốn ra ngoài, chạy, nhìn thế giới", một người dân ở Madrid nói và cho biết thêm: “Hôm qua tôi như một đứa trẻ vào đêm Giáng sinh”.
Trung Quốc, nơi báo cáo 2 ca mới, đang chứng kiến làn sóng du khách đông đúc đến các điểm du lịch, sau khi các hạn chế du lịch trong nước được nới lỏng trước kỳ nghỉ 5 ngày kéo dài đến ngày 5-5.
Áp lực với ông Trump
Trên khắp thế giới, áp lực nới lỏng các biện pháp cách ly đang tác động mạnh đến giới lãnh đạo ở Mỹ, nơi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề với hàng chục triệu người thất nghiệp và các cuộc biểu tình chống phong tỏa diễn ra ở nhiều khu vực.
Đám đông người biểu tình, một số người có vũ trang, phản đối việc phong tỏa ở New Hampshire và Kentucky, trong khi tại Huntington Beach của California, một số người lướt sóng đã bất chấp lệnh tránh xa bờ. Mỹ là quốc gia có nhiều ca tử vong do Covid-19 nhất trên thế giới và Tổng thống Donald Trump rất muốn có một sự thay đổi để giúp giảm bớt nỗi đau kinh tế. Nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett rất lạc quan, cho biết, ông tin tưởng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vì “ma thuật Mỹ luôn chiếm ưu thế” - mặc dù không chắc chắn liệu sự phục hồi đó có đến kịp để giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy đại dịch đang chậm lại ở một số vùng của Mỹ. Tại New York, tâm dịch của Mỹ, một bệnh viện dã chiến khẩn cấp được xây dựng ở Công viên Trung tâm chuẩn bị đóng cửa, khi các ca nhiễm giảm đi. Nhưng các nhà chức trách cảnh báo vì lo ngại làn sóng bùng phát thứ 2, và lo ngại virus này có thể tàn phá các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở Mỹ. Một làn sóng dịch bệnh khổng lồ đang quét qua các nhà tù của Mỹ - hệ thống lớn nhất thế giới với 2,3 triệu người. Những vụ bạo loạn vì việc không được bảo vệ thỏa đáng và phản ứng chậm chạp của chính quyền đã diễn ra tại các nhà tù ở bang Washington và Kansas. Trong khi đó, bang New Jersey đã mở cửa lại các công viên tiểu bang, mặc dù một số người phải quay về nhà sau khi các bãi đậu xe đủ giới hạn 50%.
Trước đó, hôm 1-5, Thống đốc Cuomo quyết định cho phép hệ thống trường công tại New York đóng cửa hết năm học. Quyết định của ông cuối cùng vẫn trùng khớp với tuyên bố hồi đầu tháng 4 mà Thị trưởng New York Bill de Blasio đưa ra đối với 1.800 trường công lập ở thành phố này, mặc dù tại thời điểm đó, ông Cuomo công khai bác bỏ tuyên bố của Thị trưởng de Blasio.
Vẫn nhiều mối lo
Ngoài Châu Âu, các quốc gia khác cũng đang nới lỏng một số biện pháp phong tỏa. Singapore tuyên bố sẽ giảm dần một số hạn chế, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ dỡ bỏ việc kiềm chế xuất khẩu vật tư y tế. Thái Lan cho phép các doanh nghiệp như nhà hàng, tiệm làm tóc và chợ ngoài trời mở cửa lại từ ngày 3-5, miễn là duy trì giãn cách xã hội và kiểm tra nhiệt độ.
Nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng, một số quốc gia vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên bùng phát và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn ở đó. Trong một dấu hiệu tồi tệ của đại dịch, các gia đình nạn nhân Covid-19 ở Philippines đang bị từ chối các nghi thức chôn cất truyền thống và phải hỏa tán nhanh chóng. Và với những hạn chế về virus thường có nghĩa là họ không thể nhìn vào người thân cuối cùng. Đại dịch cũng chuyển sang tình trạng tồi tệ hơn ở những nơi khác. Ấn Độ vào ngày 3-5đã báo cáo hơn 2.600 ca mới, con số cao nhất trong một ngày từ trước đến nay. Điều đó theo sau con số gia tăng kỷ lục ở nước láng giềng Pakistan và Nga trước đó. Tính đến trưa 3-5, Nga trong vòng 24 giờ ghi nhận thêm 10.633 trường hợp mới, mức tăng kỷ lục trong ngày. Cũng có tin đáng lo ngại từ Afghanistan, trong đó khoảng 1/3 được xét nghiệm dương tính trong một cuộc xét nghiệm ngẫu nhiên.
THANH VĂN
>> Hoài nghi 'rò rỉ nCoV' từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
>> Căng thẳng quanh cuộc điều tra về Covid-19
>> Trung Quốc mở cửa trường học