Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30-7 (giờ Mỹ) cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng quy mô các lệnh trừng phạt Iran, liên quan đến 22 vật liệu bổ sung được sử dụng trong các chương trình khác nhau của nước này. Động thái này được cho là nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và quân sự của Tehran.
 |
Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi Covid-19 trong khu vực. |
Mỹ “khó chịu” khi Iran mở siêu thị tại Venezuela Các quan chức Mỹ đã đang theo dõi sát diễn biến một siêu thị Iran vừa được khai trương tại thủ đô của Venezuela. Mỹ đánh giá bất cứ sự hiện diện nào của Iran tại Tây Bán cầu là “điều chúng tôi không mấy tán thành”. Hãng thông tấn AP của Mỹ dẫn lời quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu - ông Michael Kozak nhận xét rằng việc khai trương siêu thị Iran này cho thấy đây dường như là một liên minh của các nước bị cấm vận. Ông Kozak đưa ra ý kiến cá nhân rằng Iran “không nghiêm túc” khi kinh doanh tại Venezuela ở thời điểm người dân quốc gia Mỹ Latinh này “không có nhiều tiền để mua sắm”. Siêu thị mới của Iran tại thủ đô Caracas có tên Megasis, khai trương ngày 29-7 giữa thời điểm vẫn còn phong tỏa tránh lây lan dịch Covid-19. Do vậy, chỉ có một số quan chức Chính phủ Venezuela cùng doanh nhân và nhà ngoại giao Iran tham dự sự kiện. Siêu thị Megasis sẽ mở cửa đón người dân trong tuần này. Một tàu chở hàng Iran đã cập cảng tại Venezuela trong tháng 6, mang theo thực phẩm cho khu chợ mới ở Caracas. Trước đó vài tuần, Iran cũng điều 5 tàu chở xăng tới Venezuela. Những diễn biến này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ nở rộ giữa hai quốc gia ở thời điểm cùng phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ. |
Các lệnh trừng phạt Iran lần này liên quan đến kim loại, nhằm vào 22 vật liệu đặc biệt, trong đó có nhiều dạng vật liệu bằng thép, nhôm... được cho là đã được sử dụng trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo và quân sự. Các lệnh trừng phạt sẽ cho phép Washington đưa vào danh sách đen bất cứ ai cố tình chuyển từ hoặc tới Iran các vật liệu, như than chì, hoặc các kim loại thô hoặc đã qua sơ luyện. Ngoại trưởng Mỹ lập luận rằng các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và quân sự của Iran “đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Ông Pompeo cũng lưu ý rằng công ty xây dựng IRGC và nhiều công ty con vẫn chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, cho rằng “họ đã tham gia trực tiếp vào việc xây dựng khu vực làm giàu uranium ở Fordow”.
Cùng ngày 30-7, phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, ông Pompeo khẳng định Mỹ sẽ tìm cách để duy trì các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran nếu lệnh cấm vận vũ khí hiện nay hết hiệu lực. Ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ đưa ra một dự thảo nghị quyết nhằm kéo dài lệnh cấm vận trong tương lai và hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận của các thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Trong trường hợp nghị quyết trên không được thông qua, chúng tôi sẽ thực hiện hành động cần thiết nhằm đảm bảo rằng lệnh cấm vận vũ khí này sẽ không kết thúc”.
Thiệt hại kinh tế
Căng thẳng giữa Washington và Tehran xấu đi nhanh chóng kể từ tháng 5-2018 kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà các cường quốc và Iran đã ký, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, chủ yếu nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này nhằm buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Mỹ muốn ký kết một thỏa thuận rộng hơn để siết chặt hạn chế các hoạt động hạt nhân, các chương trình tên lửa cũng như tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Động thái của Mỹ đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào nguy cơ sụp đổ dù các nước Châu Âu luôn khẳng định sẽ tìm cách cứu vãn.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc, 2 trong số 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ có quyền phủ quyết, muốn lệnh cấm vận vũ khí thông thường cho Iran kết thúc vào ngày 18-10 tới như đã đưa ra theo một nghị quyết năm 2015. Trong khi đó, Pháp và Anh bày tỏ ủng hộ gia hạn lệnh cấm vận, song khẳng định cần ưu tiên hơn cho việc duy trì giải pháp ngoại giao nhằm ngừng chương trình hạt nhân của Iran. Vấn đề trên dự báo sẽ được đưa ra bàn thảo trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đối thủ của ông Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden cho biết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Đầu tháng 7, Iran đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về tác động của các lệnh trừng phạt của Washington trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhấn mạnh rằng không chỉ nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của họ bị thiệt hại vì trừng phạt, mà những nỗ lực của Iran để giải quyết đại dịch cũng bị suy yếu. Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi Covid-19 trong khu vực, hiện có hơn 290.000 trường hợp đã được xác nhận. Một số quốc gia, bao gồm Nga và Trung Quốc, và thậm chí một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt trong bối cảnh đại dịch, nhưng ông Pompeo tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt không ngăn Iran nhận được viện trợ nhân đạo. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ước tính thiệt hại kinh tế đối với nước này do lệnh trừng phạt của Mỹ lên tới khoảng 50 tỷ USD.
Iran bác khả năng đàm phán với Mỹ
Ngày 31-7, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã bác khả năng đàm phán với Mỹ về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran.
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước, ông Khamenei chỉ trích Mỹ áp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm phá hoại nền kinh tế, hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và kiềm chế các năng lực hạt nhân và tên lửa của nước này. Đại Giáo chủ Iran cũng khẳng định quốc gia này có thể chống lại những sức ép từ Mỹ bằng cách dựa vào các năng lực quốc gia và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Trong bài phát biểu trên, ông Khamenei cũng chỉ trích các nước Liên minh Châu Âu (EU) “hứa suông”, ám chỉ việc EU từng hứa sẽ cứu vãn JCPOA, khiến nền kinh tế Iran chịu thêm nhiều sức ép.
AN BÌNH