(Cadn.com.vn) - Giới phân tích chính trị cho rằng, sau cú sốc bầu cử toàn nghị viện, Liên minh Châu Âu (EU) cần có những cải cách tích cực để tìm lại ánh hào quang của những năm trước. "Cử tri Châu Âu đã nói, và kết quả là một cú sốc, một trận động đất mạnh", Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nói như thế khi nhận xét về kết quả bầu cử.
Cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu (EP) vừa kết thúc với thắng lợi vang dội dành cho nhiều đảng có tư tưởng chống EU. Kết quả này chắc chắn sẽ khiến EU khó có thể tìm được tiếng nói chung trong một loạt các vấn đề cấp thiết, nhất là vấn đề kinh tế như tự do hóa thị trường nội bộ và cả việc ký kết hiệp định thương mại đề xuất với Mỹ và làm thế nào để cân bằng các nguồn năng lượng khác nhau. Kết quả này cũng phản ánh sự cấp thiết phải cải cách của liên minh gồm 28 nước thành viên này.
Đây là lần đầu tiên, bầu cử EP được điều chỉnh theo Hiệp ước Lisbon. Theo đó, tổng số 751 ghế nghị sĩ sẽ được phân bổ cho các nước thành viên dựa trên số dân mỗi nước với tối đa là 96 ghế nghị sĩ (Đức) và tối thiểu là 6 ghế nghị sĩ (Cyprus, Estonia, Luxemburg và Malta). Với chiến thắng phần lớn số ghế trong EP, các đảng có tư tưởng "ngoài EU" cũng có nền tảng tốt hơn để gây ảnh hưởng chính trị trong nước.
"Chính trị Châu Âu sẽ khác nhau từ hôm nay", Doru Frantescu, Giám đốc chính sách và đồng sáng lập của VoteWatch, tổ chức độc lập theo dõi bầu cử nhận định. Rõ ràng, người dân khắp Châu Âu đang mất lòng tin sâu sắc với EU và không cảm thấy các thỏa thuận hiện nay mang lại lợi ích cho chính họ. Họ muốn thay đổi và nguyện vọng đó cần được lắng nghe và thấu hiểu.
Theo BBC, tại Anh, Thủ tướng Anh Cameron có hàng loạt cuộc điện đàm với lãnh đạo 6 nước Châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel để thuyết phục rằng, kết quả cuộc bầu cử vừa qua chính là cơ hội để bầu ra những gương mặt mới sẽ giữ những trọng trách lãnh đạo EU nhiệm kỳ tới.
Tại cuộc bầu cử vừa qua, đảng Độc lập Anh (UKIP) với chủ trương chống EU và nhập cư giành ủng hộ cao nhất với 27,5% số phiếu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1906 một chính đảng khác chứ không phải là đảng Bảo thủ hay Công đảng giành thắng lợi tại cuộc bầu cử toàn quốc ở Anh.
Ở Pháp, Tổng thống Holland cũng cam kết sẽ cải cách, nhất là kinh tế. Ông Hollande cho rằng, EU phải cải cách và trở lại quy mô quyền lực của mình. Ông Hollande, bên thất bại trong cuộc bầu cử EP cuối tuần trước, nhận định, EU đã trở nên quá phức tạp và bị cô lập.
Tại Italia - quốc gia sẽ giữ chức Chủ tịch EU từ tháng 7 tới - Thủ tướng Renzi cũng cam kết sẽ làm thay đổi EU. Italia là quốc gia hiếm hoi có nhiều thuận lợi khi đảng Dân chủ (PD) của ông Renzi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử EP vừa qua.
Thanh Văn