(Cadn.com.vn) - Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) hôm 22-2 công bố báo cáo cho biết, hoạt động chuyển giao vũ khí trên thế giới ngày càng gia tăng trong mấy năm gần đây, trong đó Mỹ tiếp tục củng cố vị thế số 1, chi phối hoạt động này.
Washington chi phối hoạt động này trong bối cảnh số lượng vũ khí bán cho các khách hàng Châu Á, Trung Đông và Châu Phi ngày một lớn. Số lượng các vụ chuyển giao vũ khí quan trọng trên trường quốc tế, bao gồm cả hoạt động mua bán và viện trợ, cũng tăng 14% trong năm 2011-2015, so với 5 năm trước đó.
Đây rõ ràng là lợi thế của Mỹ, nhưng giới phân tích cho rằng, nó cũng kèm nhiều rủi ro. Bởi thực tế, Mỹ đã bán hoặc viện trợ vũ khí cho phạm vi đa dạng các quốc gia trên toàn cầu - 96 quốc gia. Và rằng, chính các cuộc xung đột trong khu vực cũng như căng thẳng giữa các quốc gia là nguyên nhân “giúp” Mỹ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.
Theo đó, nền kinh tế số 1 thế giới này đã bán hoặc viện trợ vũ khí cho 96 quốc gia trong 5 năm qua trong khi các ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ hiện vẫn còn một số lượng lớn đơn đặt hàng chưa chuyển, chủ yếu là máy bay chiến đấu đa năng F-35, vốn được mệnh danh là “sát thủ” trên không. Mỹ xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho các khách hàng Châu Á trong 5 năm qua. 41% đến Saudi Arabia và phần còn lại đến khu vực Trung Đông. “Mặc dù giá dầu thấp, lượng lớn vũ khí vẫn tấp nập đổ về Trung Đông, và nơi đây dự kiến sẽ tiếp tục là một phần của những hợp đồng béo bở trong những năm tới”, một chuyên gia nhận định.
Nga vẫn ở vị trí thứ hai trong danh sách các nhà xuất khẩu của SIPRI, mặc dù có giảm trong năm 2014 và 2015, với khách hàng chính là Ấn Độ. Điều bất ngờ là Trung Quốc đã vượt qua Pháp và Đức để trở thành nước xuất khẩu vũ khí nhiều thứ 3 thế giới, với tốc độ tăng 88% từ năm 2011-2015 so với 5 năm trước. Nguyên nhân là do Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước nhằm hỗ trợ các tham vọng vô lý ngày càng gia tăng của nước này tại biển Đông. Tuy nhiên, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% kim ngạch buôn bán vũ khí toàn cầu, kém xa Nga và Mỹ.
Trong khi các dòng chảy vũ khí cho Châu Phi, Châu Á và Trung Đông đều tăng giữa 2006-2010 và 2011-2015, đã có sự sụt giảm mạnh trong dòng chảy sang Châu Âu và giảm nhẹ trên đường đến Châu Mỹ. Các nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất là Ấn Độ, Saudi Arabia, Trung Quốc và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Thanh Văn