Lebanon hôm 6-5 đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lịch sử, lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ qua trong bối cảnh cử tri tỏ rõ sự lạc quan thận trọng rằng, hệ thống chính trị giáo phái cứng rắn, bế tắc của đất nước có thể bị ảnh hưởng.
Thực tế Lebanon cũng đang bị rơi vào mớ bòng bong cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực. Và đằng sau hậu trường, có thể các cường quốc hàng đầu thế giới đã lặng lẽ quan sát quốc gia nhỏ bé này, như một nền tảng tiềm năng để dự đoán quyền lực của họ ở Trung Đông và vào Địa Trung Hải sau chiến trường Syria. Các cường quốc này được cho là Mỹ, Nga.
Sau chiến thắng khủng bố ở Syria, trong nhiệm kỳ thứ 4 và nhiệm kỳ cuối cùng trên cương vị tổng thống Nga, ông Vladimir Putin muốn tập trung khôi phục ảnh hưởng về quân sự và chính trị của nước Nga trên toàn cầu - tại thời điểm quan hệ giữa Moscow và Washington đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ tất nhiên muốn nhảy vào Lebanon nhưng điều đó cũng sẽ không hề dễ dàng. Trong bối cảnh cán cân cuộc chiến ở Syria đang có phần nghiêng quân đội chính phủ Syria, và chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đã tiếp tục mở rộng sự trở lại của mình, Nga - một đối thủ đáng gờm của Mỹ - chắc hẳn sẽ không thể để Mỹ “muốn làm gì thì làm” ở Lebanon. Không giống như Syria, Moscow tất nhiên không muốn can thiệp vào Lebanon. Nhưng một khi Mỹ nhảy vào, Nga cũng không thể ngồi yên.
Lợi thế đang ở phần sân của Moscow dù thực tế mọi lời đề nghị vẫn đang còn nằm trên bàn. Moscow hiện đang theo đuổi cuộc thương lượng thận trọng xuyên biên giới với Lebanon, đó là một thỏa thuận vũ khí trị giá 1 tỷ USD.
THANH VĂN