Cần bắt tay thực hiện ngay các giải pháp quyết liệt cho năm 2018, không để tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả, đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu kết thúc Hội nghị Trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, ngày 29-12.
 |
Toàn cảnh Hội nghị. |
Nhiều bài học trong “năm kỷ lục”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, cái lo nhất là những người ngồi ở hàng ghế thứ hai, thứ ba, ở cấp tổng cục, vụ, cấp sở, huyện có đổi mới tư duy, cải cách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới hay không? Nếu không làm thì rất khó khăn cho đất nước. Trên nóng dưới lạnh cũng từ ý đó. Thủ tướng đề nghị phải sớm bắt tay thực hiện các giải pháp cho năm 2018, không để tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả. Theo Thủ tướng, năm 2017 đất nước đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, trong đó ghi mốc nhiều kỷ lục như tổng GDP đạt 5 triệu tỷ đồng, đứng vào nhóm 50 nền kinh tế thế giới, khách du lịch gần 13 triệu lượt, kỷ lục về vốn FDI, về kim ngạch xuất khẩu, về thành lập doanh nghiệp mới, về APEC... Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 425 tỷ USD, lần đầu tiên xuất siêu, hoặc nông nghiệp xuất khẩu hơn 36 tỷ USD, trong đó 100% của Việt Nam, là điều rất đáng mừng. Tất nhiên bên cạnh đó còn có cả những kỷ lục về thiên tai với 16 cơn bão, cao gấp đôi số liệu cơn bão trung bình năm, kỷ lục về số vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao... Nhìn tổng thể, bối cảnh năm qua nhiều khó khăn, song đất nước đã vượt lên đạt thành quả bước đầu, rất mừng. Trong đó Thủ tướng biểu dương nhiều tấm gương quý trong lao động, có những lãnh đạo địa phương lăn lộn tìm hướng đi để có chuyển biến cho địa phương mình. Nhiều đồng chí cứ cuối tuần đi cơ sở để lắng nghe, chứ không phải sáng vác ô đi tối vác ô về, quan liêu, làm trên giấy tờ.
Từ những thành công năm qua, Thủ tướng chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết mọi cấp, mọi ngành không ngừng nỗ lực, đặt vai trò cá nhân người đứng đầu, kết quả công việc phải có các chỉ tiêu đo đếm được. Kế tiếp, phải tập trung rà soát, đối thoại hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính quyền phải tương tác, đối thoại với DN để lắng nghe, tháo gỡ. Phải thường xuyên đôn đốc, theo dõi sát diễn biến, có giải pháp xử lý kịp thời công việc, không để chủ trương nằm trên giấy. Đặc biệt là bài học về phát huy lợi thế của vùng, địa phương để tìm ra hướng đột phá, phát triển. “Các địa phương phải biết lợi thế so sánh để biết chỉ đạo. Tỉnh nào cũng có lợi thế, vấn đề người lãnh đạo có biết cách phát triển không, không thể bình bình mãi được”- Thủ tướng nói. Trong phát triển, việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng là bài học tạo nên thành công. Bây giờ nuôi bò, nuôi tôm, nuôi cá tra cũng phải áp dụng khoa học công nghệ. Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh tới bài học về sự phát triển toàn diện, bền vững giữa kinh tế-xã hội-môi trường. Không chỉ lo phát triển kinh tế mà không quan tâm tới văn hóa, không thể chạy theo thu hút FDI mà không quan tâm tới môi trường.
Cần làm gì năm 2018?
Về các giải pháp năm 2018, Thủ tướng chỉ đạo tăng trưởng kinh tế phải vượt mức Quốc hội giao. Vì tăng trưởng giải quyết nhiều vấn đề từ việc làm, thu ngân sách, nợ công. Thủ tướng nói: Một đất nước thu nhập có hơn 2.300 USD/người thì có gì mà quá phấn khởi. Có thể nói đó là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta khi bình quân thu nhập thấp đến thế. Do đó tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động phải tăng lên, chỉ số môi trường phải được cải thiện. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải tạo chuyển biến mạnh hơn về sức sống, năng lực cạnh tranh của từng ngành, địa phương, của sản phẩm quốc gia. Thủ tướng kể, một DN xuất khẩu tôm ở Cà Mau đạt 700 triệu USD/năm, nếu cố lên được 1 tỷ USD thì DN sản xuất tôm lớn nhất thế giới sẽ ở tại Cà Mau. Phải có mục tiêu, khát vọng đạt xuất khẩu từ tôm lên 10 tỷ USD.
Thủ tướng thống nhất chủ đề năm 2018 gồm 10 chữ là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, đồng thời yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần có giải pháp đồng bộ, vào cuộc quyết liệt. Trong bối cảnh mới, nền kinh tế Việt Nam cần tự chủ thay vì phụ thuộc, do đó cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Một nội dung quan trọng khác Thủ tướng nhấn mạnh đó là kịp thời giải quyết những vướng mắc của người dân, nếu không sẽ thấy căng thẳng hoài. Cụ thể, phải tăng cường đối thoại với người dân, chúng ta phục vụ người dân mà để dân khúc mắc là làm sao? Tư tưởng phải đi trước, tư tưởng mà không thông mang bình không cũng nặng.
Trong năm 2018, Thủ tướng chỉ đạo phải phấn đấu tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội bằng 34% GDP. Để thực hiện mục tiêu đó, cần huy động nguồn lực từ xã hội, không chỉ trông chờ vốn Nhà nước. Việc thu hút đầu tư cũng cần có chọn lọc. Đến thời điểm này Việt Nam có thể tự hào nói từ chối các dự án FDI ảnh hưởng tới môi trường. Các địa phương phải lưu ý chứ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Về xuất khẩu, Thủ tướng chỉ đạo phải phát triển thương hiệu quốc gia. Năm 2017, chỉ tiêu xuất khẩu giao tăng 7% nhưng đã vượt gấp 3 lần, tăng 21%, lần đầu tiên xuất siêu, cái này phải giữ, chứ cứ nhập siêu như trước thì là cội nguồn mãi của lạm phát. Thủ tướng lưu ý cần khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường sử dụng hàng hóa Việt. Với thị trường bán lẻ là khâu cuối cùng, nếu để nước ngoài nắm hết, Thủ tướng cảnh báo “hãy coi trừng”. Trong nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung tích tụ ruộng đất tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp quy mô, ứng dụng khoa học. Tỷ lệ đóng góp nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế không cao, nhưng tạo việc làm lớn.
Thủ tướng kết luận, địa phương mạnh, Chính phủ mạnh, vì thế mọi việc phải quyết liệt thực hiện ngay từ cơ sở mới có thể hoàn thành được các mục tiêu năm 2018.
HẢI QUỲNH
Trích ý kiến các thành viên Chính phủ tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Năm 2017 Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 510 ngàn tỷ đồng. Việt Nam đứng đầu Châu Á, thứ 6 trong 10 điểm đến có tốc độ tăng trưởng du khách nhanh nhất thế giới. Năm 2018 phấn đấu đón hơn 15 triệu khách quốc tế, cần phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, quản lý tốt các điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, nhân lực và ý thức người dân trong xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện. Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Năm 2018 cần tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao, hiện chúng ta thiếu giải pháp căn cơ, chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,93 trên thang điểm 10. Năng suất lao động 2017 chỉ tăng 6%, hiện bằng 1/5 so với Malaysia, bằng 87% so với Lào. Trong năm tới cũng cần quan tâm đảm bảo môi trường lành mạnh cho trẻ em với 3 vấn đề là đuối nước, bạo hành, xâm hại. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Năm 2018 sẽ trình Luật đất đai sửa đổi, tập trung khắc phục các vấn đề khiếu kiện đất đai kéo dài, sử dụng đất đai kém hiệu quả, chỉ số tiếp cận đất đai thấp. Nguyên nhân những tồn tại trên do cơ chế, quy hoạch tầm nhìn chưa dài hạn, phân cấp chưa rõ ràng, tình trạng nhiều DN đầu cơ đất đai chưa mang lại hiệu quả. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Công nghiệp hỗ trợ hiện đang có điều kiện phát triển, vì chúng ta đang có nhiều đầu tàu phát triển như Samsung, các dự án lớn về ô-tô. Các địa phương và Bộ Công Thương cần lựa chọn các DN có tâm huyết, có năng lực để phối hợp với các DN đầu đàn này phát triển công nghiệp hỗ trợ. Kiểm soát chặt ngư dân đánh bắt cá trái phép, EU đã cảnh báo thẻ vàng với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vì không rõ nguồn gốc. Tháng 5-2018, thẻ vàng hết hạn. Tuy nhiên nếu không cải thiện thực trạng này, thủy sản Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách đỏ, không xuất được vào EU, sẽ mất 25% thị trường. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: 2017 nguồn vốn ODA vào Việt Nam hơn 3 tỷ USD, nhưng năm 2018 sẽ khó khăn, vì năm này chúng ta sẽ hoàn thiện các cam kết quốc tế. Cụ thể như cam kết Hiệp định hàng hóa ASEA, sau 8 năm lùi, giờ phải thực hiện, tức là sẽ xóa bỏ 669 dòng thuế xuống 0%, sẽ gây áp lực lên nhiều địa phương. Tương tự, từ 31-12-2018 sẽ phải hoàn tất các cam kết WTO sau 12 năm. Thách thức về năng lực cạnh tranh khi mở cửa thị trường là rất lớn. Từ tháng 7 -2017 Việt Nam không còn được vay nguồn vốn ưu đãi cao của WB vì đã trở thành nước thu nhập trung bình. Sắp tới sẽ phải vay ít ưu đãi hơn, tức là lãi suất cao hơn, nên các địa phương phải hết sức cân nhắc các dự án đề xuất vốn vay ưu đãi ODA, phải tính toán cân nhắc so với các nguồn vốn xã hội hóa. H.HẬU (ghi) |