Với thủ đoạn hết sức tinh vi là sử dụng tàu đánh cá đã được hoán cải và “hóa trang” hết sức khéo léo để mỗi khi đêm xuống lại cặp mạn các tàu chở hàng nước ngoài để mua bán xăng, dầu rồi mang vào đất liền bán lại kiếm lời, nhiều chủ tàu đánh cá đã và đang thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, hành động phạm pháp đó của các đối tượng đã không qua mắt được các chiến sĩ của Hải đoàn 18 BĐBP.

|
Biên đội I/2018, Hải đoàn 18 BĐBP tuần tra bảo vệ biển đảo. |
Giả tàu cá buôn lậu xăng, dầu
Nhìn vẻ ngoài, chiếc tàu đánh cá số hiệu BV7877TS không khác gì mấy so với những tàu đánh cá khác trong khu vực. Vẫn những mành lưới, dây tời, phao tiêu, giàn đèn... treo lủng lẳng 2 bên thân tàu hay phủ đầy lên mặt boong. Trong ca-bin, thuyền trưởng kiêm chủ tàu Nguyễn Tấn Minh (1985, trú xã Phú Đông, H. Tân Phú Đông, Tiền Giang) đang chuẩn bị cho “phi vụ” kiếm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Lúc chỉ còn cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng hơn 30 hải lý về hướng Đông Nam, Minh giật bắn người khi phát hiện trên màn hình ra đa một đốm trắng đang cứ to dần, tiến nhanh về phía chiếc tàu của mình. Minh liền hô hào 5 thuyền viên trên tàu chuẩn bị hung khí nhằm chống lại lực lượng biên phòng, đồng thời tăng ga bỏ chạy về phía biển xa.
Tuy nhiên, chưa đầy 30 phút sau (17 giờ 30 ngày 3-5), tàu BV7877TS đã nằm trong gọng kìm bủa vây của Biên đội I/2018, Hải đoàn 18 BĐBP. Biết không thể chạy thoát, Nguyễn Tấn Minh và 5 thuyền viên phải tuân theo mệnh lệnh dừng tàu để kiểm tra hành chính của các chiến sĩ biên phòng. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong các khoang tàu, thay vì chứa tôm cá thì có khoảng 150.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Bên cạnh đó, 5 thuyền viên trên tàu cũng không có giấy tờ tùy thân và chứng chỉ hành nghề.
Theo lời khai của Nguyễn Tấn Minh, thời gian qua, việc đánh bắt hải sản khó khăn nên Minh nghĩ ra “sáng kiến” là hoán cải các khoang chứa thủy sản trên tàu cá của mình thành những bồn chứa để buôn lậu xăng, dầu. Hằng ngày, Minh vẫn đưa tàu ra biển để “đánh bắt cá” nhưng thực chất là để liên hệ với các tàu chở dầu trọng tải lớn của nước ngoài đang neo đậu tại vùng biển giáp ranh chờ khi đêm xuống thì mua xăng, dầu đưa vào bờ bán kiếm lời. Bằng thủ đoạn trên, thời gian qua, Minh cùng đồng bọn đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ. Tối 2-5, Minh và 5 thuyền viên đã mua lại 150.000 lít dầu DO, chưa kịp về lại bến thì bị các chiến sĩ Hải đoàn 18 phát hiện, bắt giữ.
“Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần đấu tranh chống tội phạm đến cùng, các chiến sĩ của Hải đoàn 18 đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Hải đoàn 18 đã phát hiện, bắt và xử lý 6 vụ/8 phương tiện buôn lậu, gian lận thương mại, tịch thu tang vật bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
Đơn cử, 9 giờ 50 ngày 16-4, tại vùng biển Tây Bắc cách Côn Đảo 25 hải lý, tàu BP 27.06.02, Biên đội 1/16, Hải đoàn 18 BĐBP phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Nam, Cục phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP bắt giữ tàu cá CT97777 TS, do ông Trần Công Quang (1973, trú Mỹ Tho,Tiền Giang) làm thuyền trưởng đang chở khoảng 40.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ. Trước đó, 3 giờ ngày 18-2, tại khu vực Cảng Sao Mai, Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu), lực lượng PCMT&TP Hải đoàn Biên phòng 18 kiểm tra hành chính tàu Tiến Thành 01, số hiệu BV0577 của doanh nghiệp Thuận Phát An (454/22-Trần Phú, P.5, TP Vũng Tàu) do ông Nguyễn Văn Hiền (1982, trú P.5, TP Vũng Tàu) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu chở khoảng 20.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Lực lượng công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định tạm giữ phương tiện, tang vật.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Duy Nghị - Hải đoàn trưởng Hải đoàn 18 BĐBP cho biết: Vùng biển từ Ninh Thuận đến Bạc Liêu là khu vực nhiều đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, hay cặp mạn mua bán, trao đổi hàng hóa trái phép. Đặc biệt, “nóng” nhất là tình trạng vận chuyển, mua bán xăng, dầu trên biển đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Để qua mắt các lực lượng như BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quan... các đối tượng này sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ, xử lý của các cơ quan chức năng. Hầu hết, các phương tiện đều được trang bị các thiết bị hiện đại như ra-đa, ống nhòm hồng ngoại để theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, nhiều tàu đánh cá cải hoán dùng để mua bán xăng, dầu được các chủ phương tiện trang bị máy có công suất lớn hoặc 2 máy để thuận tiện cho việc vận chuyển và tẩu thoát...
Hoàng Anh Trần