Những vướng mắc về thủ tục, mặt bằng, nguồn vốn khiến hàng loạt dự án trọng điểm mang tính động lực trong tổng số 73 dự án giai đoạn 2016-2020 của Đà Nẵng chưa thể triển khai hoặc đã triển khai nhưng chậm tiến độ. Năm 2020 nguồn vốn đầu tư công dồn lại rất lớn, trên 14.000 tỷ đồng, vậy Đà Nẵng cần làm gì để giải ngân hết số vốn trên?
 |
Dự án đường ven sông Tuyên Sơn- Túy Loan chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. |
Trong 46 dự án đầu tư bằng ngân sách TP giai đoạn qua hiện có hàng chục dự án chậm tiến độ như đường ven sông Tuyên Sơn- Túy Loan, đường vành đai phía Tây, Ký túc xá phía Tây, nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm, nhà máy nước Hòa Liên, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý... Trong khi đó, 9 dự án lớn vẫn đang trình thẩm định, chưa thể triển khai. Nổi bật như dự án khơi thông sông Cổ Cò (nạo vét lòng sông, kè gia cố dọc sông, cải tạo cảnh quan các tuyến đường ven sông, nâng cấp cầu Biện), dự án cảng Liên Chiểu (đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), Khu công viên phần mềm số 2, Trung tâm Công nghệ sinh học và nuôi cấy tế bào thực vật (mở rộng)... Ngoài ra, 19 dự án đầu tư nguồn vốn tư nhân chưa thể triển khai như Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, chợ đầu mối nông sản Hòa Phước, khu du lịch Làng Vân, khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, khu đô thị đại học Pegasus...
Sở dĩ những dự án trọng điểm bằng nguồn vốn tư nhân chưa triển khai vì chưa tìm được nhà đầu tư hoặc có nhà đầu tư thì vướng giải phóng mặt bằng, vướng hồ sơ thủ tục. Tương tự với các dự án đầu tư bằng ngân sách, tiền không thiếu nhưng lại vướng mặt bằng, thủ tục. Do vậy, nếu các dự án trọng điểm này được tập trung gỡ vướng thì sẽ “ngốn” nguồn vốn đầu tư công rất lớn. Ông Trần Phước Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, thủ tục đầu tư là nút thắt đầu tiên cần gỡ vướng cho các dự án trọng điểm để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, trong năm 2020 nhiệm vụ này rất quan trọng, vì thế TP đã giao trách nhiệm cho từng đơn vị. Theo đó, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án cần lập hồ sơ chủ trương đầu tư từ đầu năm và chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực. Nếu việc lập hồ sơ chậm trễ thì đơn vị sẽ bị phạt không được tham gia tư vấn các dự án tiếp theo trong trường hợp có 3 lần chậm trễ hồ sơ. Trường hợp bị cơ quan thẩm định trả hồ sơ đến lần thứ 3 thì xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo trực tiếp theo dõi dự án. Với cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ phải rút ngắn thời gian xử lý, tránh trường hợp gần hết thời hạn thẩm định mới xem xét trả hồ sơ để chỉnh sửa, bổ sung.
* Để hấp thụ nguồn vốn đầu tư công trên 14.000 tỷ đồng, năm 2020 Đà Nẵng sẽ khởi công hàng loạt dự án lớn. Nổi bật như đường vành đai phía Tây 2 (quý II), đường và cầu qua sông Cổ Cò (quý I), cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (quý I), nâng cấp Bệnh viện Phụ sản – Nhi từ 600 giường lên 1.000 giường (quý IV), tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành (quý II)... |
Các sở ngành có liên quan nhiều tới hồ sơ thủ tục đầu tư công như sở Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư cũng buộc phải cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục. Cụ thể, Sở Xây dựng phải rút ngắn tối đa thời gian thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch. Quy định cụ thể đối với từng loại công trình phải có đơn vị tư vấn thẩm tra trước khi trình thẩm định, phê duyệt dự án để các chủ đầu tư, quản lý dự án chủ động ký hợp đồng thẩm tra, rút ngắn thời gian thẩm định. Sở Tài nguyên và Môi trường rút ngắn tối đa thời gian thẩm định các thủ tục dự toán, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án tổng thể tái định cư, dự toán đo thửa phục vụ giải phóng mặt bằng của dự án... Sở Kế hoạch và Đầu tư rút ngắn thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các công trình không quá 5 ngày (giảm 3 ngày), rút ngắn thời gian phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng không quá 5 ngày (giảm 3 ngày).
Bên cạnh nút thắt về thủ tục thì khâu giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều vướng mắc khiến nhiều dự án trọng điểm chưa thể triển khai hoặc chậm tiến độ. Cụ thể, người dân chưa muốn bàn giao mặt bằng phục vụ dự án vì chưa có đất tái định cư thực tế, chưa biết được giá trị cụ thể để tính toán. Từ thực tế đó, TP đã giao các quận huyện có dự án phải chủ động rà soát, chuẩn bị quỹ đất tái định cư đã có hạ tầng sẵn sàng phục vụ người dân. Ngay từ khi lập dự án cũng phải đồng thời triển khai xây dựng các khu tái định cư thay vì để người dân nhận đất trên hồ sơ, chờ đợi nhiều năm.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, TP sẽ chọn 4-5 khu vực ở Hòa Vang để đầu tư các khu đô thị có diện tích lớn, hạ tầng hiện đại, tiện ích, mỗi khu đô thị đầu tư từ 2-3 ngàn tỷ đồng, sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất để 2 năm tới có thể phục vụ tái định cư cho người dân giải tỏa. Theo ông Thơ, Đà Nẵng sẽ không xây các khu tái định cư nhỏ lẻ, manh mún nữa mà xây các khu đô thị để phục vụ tái định cư. Giá trị đất ở các khu đô thị này đã được xác định, người dân có thể so sánh, từ đó tính toán định lượng, bàn giao mặt bằng thay vì cứ giao đất tái định cư trên sơ đồ bắt người dân chờ đợi nhiều năm. Ngoài ra, UBND TP cũng lập Tổ đền bù giải tỏa để theo dõi, kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án, tổng hợp báo cáo và đề xuất Lãnh đạo TP xử lý các vướng mắc.
Với nhiều giải pháp cụ thể, Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm để tạo động lực tăng trưởng kinh tế xã hội cho TP.
HẢI QUỲNH